Monday 10 March 2014

Đêm không ngủ

Hôm nay tình cờ xem lại bộ phim "Những cây cầu ở quận Madison", mọi thứ dường như ngừng lại. Mình như chìm đắm trong bộ phim, cảm giác như có một vết nứt trong tâm hồn đang dần hình thành, như có 1 cây kim lách qua vết nứt đó đâm vào những cảm xúc, những đam mê đã ngủ yên trong sâu tâm hồn bừng dậy.

Ngày xưa cứ thấy bà ngoại hay kể chuyện xưa, chuyện cũ, mình cứ thắc mắc sao ngoại chỉ toàn nhớ chuyện ngày xưa. Giờ đây khi mới ngoài ba mươi, có 2 con mình thì mình cũng đã có một phần trong mình luôn nhớ đến ngày xưa, có thể còn có cả luyến tiếc cái thời con gái phơi phới đi đâu cũng có người để ý, sống tự do và không lo nghĩ một chút chuyện gì ngoài chuyện học hành. Không phải mình không bằng lòng với hiện tại. Mình có chồng biết phụ vợ công việc nhà, hai cô con gái nhỏ xinh, công việc đàng hoàng. Không hơn ai nhưng cũng không thiếu thứ gì. Chỉ là vì trong mình còn có một số nhu cầu khác. Đó là niềm đam mê. Điều mà từ khi có con mình đã cố gắng bỏ qua, cố gắng đè nén xuống tận sâu trong lòng đến nỗi có lúc gần như nó chưa từng tồn tại. Nhưng đôi lúc vẫn trỗi dậy làm mình cáu kỉnh với chồng vì không tìm được điều đó ở chồng mình. Đó là những lúc nhìn bạn bè ở quê thi nhau tụ tập ăn uống kể chuyện thời đi học còn mình trên thành phố đông đúc ngột ngạt có muốn gặp gỡ bạn bè cũng khó. Đó là nhưng khi có tin tức của anh vô tình đến tai. Và còn nhiều khoảnh khắc nhắc nhở thời vui tươi ngày xưa ấy. Mình sợ sẽ có ngày cuộc sống vợ chồng trở nên nhạt nhẽo, chỉ còn là thói quen. Người này quen có người kia ở bên cạnh và chấp nhận như một sự tự nhiên phải thế. Không còn tình yêu, lãng mạn hồi mới quen nhau, chăm sóc ân cần cũng biến mất, thay vào đó là thói cáu kỉnh của cả hai. Rồi đến lúc chỉ còn hai cái xác di động còn tâm hồn thì chìm vào cõi riêng của mỗi người, tệ hơn là cõi riêng với một người khác nào đó ngoài vợ ngoài chồng.

Hiện tại mình đã có cảm giác con người mình đang trên con đường trở thành như thế. Mình không thể đoán được chồng mình có cảm thấy như mình không, hay là cũng như người chồng trong phim kia. Đơn giản và thích cuộc sống nhạt nhẽo như thế. Sáng đi làm, chiều về cơm nước rồi lo con cái đến 10h tối mệt nhoài ra ngủ. Vợ chồng không biết nói với nhau được chục câu trong ngày không nữa. Mình biết chồng mình đã là tốt hơn chồng của nhiều người, đã cố gắng hết sức của anh để lo cho vợ con. Chỉ là mình vẫn thấy thiếu. Lúc đầu còn bực bội trách móc, giờ thì mình cố gắng gạt bỏ đòi hỏi mà giờ dường như quá sức đối với chồng để cho cuộc sống thoải mái hơn, cũng là vì mình biết có đòi hỏi cũng chỉ làm cho mình thêm mệt mỏi và buồn hơn mà thôi.

Thật ra nếu cho đánh đổi cuộc sống hiện tại để được sống một cuộc sống khác thì câu trả lời sẽ là không và không. Thế nhưng hiện tại đôi lúc mình cho phép bản thân được quyền mơ tưởng, chìm trong quá khứ vui vẻ hoặc tự vẽ ra viễn cảnh hào nhoáng để có thể thoả mãn một phần đam mê trong tâm hồn. Để khi trở về thực tại, mình có thể chuyên tâm chăm sóc gia đình mà không hối tiếc.

Friday 7 March 2014

HÁ CẢO NHÂN THỊT

Recipe theo yêu cầu bạn Phượng 
1. Vỏ:
- 300gr bột mì đa dụng
- 1/2 muỗng cafe muối
- 180ml nước sôi
2. Nhân thịt:
- 200gr thịt heo (nạc dăm) xay
- 3-4 nấm đông cô băm nhỏ
- 1/4 củ hành tây
- Tỏi, 1 củ hành tím
- Muối, tiêu, bột nêm, nước mắm
3. CÁCH LÀM
- Nhào bột: đun nước và muối cho sôi rồi đổ vào tô bột, nhanh tay trộn bột cho đều (trộn bằng đũa). Trộn từ từ cho bột nguội thì dùng tay bắt đầu nhào cho đến khi bột mịn và không dính tay nữa thì lấy nilong bao bột lại và đeer bột nghỉ khoảng 30 phút.
- Trong thời gian bột nghỉ chúng ta tranh thủ làm nhân. Băm nhuyễn tỏi, hành tím, hành tây, nấm rồi trộn đều với thịt xay. Sau đó nên gia vị cho vừa ăn.
- Sau khi bột nghỉ bột sẽ nở một chút và mịn hơn. Chia nhỏ bột ra thành từng cục vuông dài khoảng  1 đốt ngón tay. Sau đó lấy cây cán bột (không có thì dùng chai thuỷ tinh) cán bột thành hình tròn mỏng, múc vừa đủ nhân vào giữa miếng bột rồi xếp miếng bột lại hình bán nguyệt. Khéo tay thì nặn mép há cảo thành hình xếp sao cho đẹp.
- Chuẩn bị xửng hấp, quét 1 lớp bột lên xửng để chống dính. Xếp há cảo vào nồi hấp, hấp cách thuỷ từ 20 – 25 phút. Há cảo chín gắp ra đĩa chấm với nước tương hoặc tương ớt.
4. Các lưu ý:
- Khi làm vỏ phải đảm bảo tỷ lệ nước và bột sao cho đúng công thức mới thành công được. Mơi đầu trộn trông có vẻ ít nước nhưng trộn thêm một chút là sẽ thấy lượng nước như vậy là vừa, thêm nước bột sẽ nhão, không nặn vỏ được.
- Khi nhồi thịt thì những phần bột chưa dùng tới nhớ bọc lại để tránh bị khô.
- Khi cán bột chú ý cán vành miếng bột mỏng hơn phía trong 1 chút thì khi nhồi nhân sẽ ngon hơn.
- Có thể thay nhân thịt bằng tôm và bắp cải cũng rất ngon.



Chúc các bạn thành công.

Sunday 26 January 2014

Bánh su kem

Vừa mua được cái lò nướng, thế là thoả lòng mơ ước làm bánh của mình bấy lâu nay. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu về bánh thì mới thấy có bao nhiêu là kiến thức cần phải học. Đúng là mỗi người mỗi nghề, không có cái gì dễ hơn cái gì cả. Thế là nhào vô search search, tra tra google, với sự giúp sức của một em đồng nghiệp cũng đam mê bánh tư vấn. Mình đã có một số kiến thức cơ bản về bột, cách phân loại bột, các loại bánh,...
Sau khi tham khảo các kiến thức cơ bản, mình quyết định chọn một loại bánh thuộc loại dễ để thực hiện trước. Đó là bánh su kem. Đây cũng là món mình rất thich lúc nhỏ, đòi mẹ mua cho ăn hoài.
Công thức làm bánh su kem thì có đầy trên mạng, nhưng sau khi làm bánh qua mấy lần thì mình rút ra công thức và lưu ý như sau:

A. Nguyên liệu
1. Nguyên liệu làm vỏ bánh:
- 150ml nước lạnh
- 65gr bột mỳ đa dụng
- 60gr bơ nhạt
- 2 quả trứng gà
- 1/2 muỗng cà phê đường
- 1 chút xíu muối
2. Nguyên liệu làm nhân kem
- 150 ml sữa tươi
- 35gr đường
- 30 gr tinh bột bắp
- 02 lòng đỏ trứng gà
- 05gr bơ nhạt
- 3/4 muỗng cà phê vanill dạng lỏng
- chút xíu muối

B. Cách làm

1. Vỏ bánh
- Cho Bơ, nước, đường và muối vào 1 cái nồi không dính, bắc lên bếp nấu với lửa vừa. Nấu cho đến khi bơ chảy và hỗn hợp sôi. Khuấy đều rồi bắc xuống bếp, đổ bột vào nồi rồi trộn đều cho đến khi hỗn hợp hòa quyện. Tiếp tục trộn cho đến khi bột mịn, dẻo thành một khối không dính vào thành nồi nữa là được.
- Sau đó đổ phần trứng đã đánh tan vào nồi, đổ từ từ, vừa đổ vừa khuấy đều tay cho đến khi bột và trứng hòa quyện.
Lưu ý ở đây là lúc mình có thể điều chỉnh bột để bột không bị quá cứng (vì thiếu nước) hoặc quá lỏng. Bột quấy đạt là bột mà khi nhấc que khuấy lên, bột sẽ chảy xuống theo đường đứt đoạn. Nếu bột quá cứng do thiếu nước thì bánh sẽ không nở và cứng, cách chữa là cho thêm nước từ từ, từng chút một (mình thường cho khoảng 30ml nước một lần rồi khuấy, nếu chưa đạt sẽ đổ 30ml vào khuấy tiếp, cứ như thế cho đến khi bột khuấy đạt). Còn nếu bột quá lỏng thì mình thường cho thêm  trứng gà vào và khuấy cho đến khi bột đạt (cũng cho từ từ từng chút một như cho nước ở trên).

- Bật lò nướng trước ở nhiệt độ 200 độ C trong vòng 5 phút để làm nóng lò.
- Nặn bột đã khuấy đạt thành những hình tròn nhỏ vào khay nướng bánh. Mình thường dùng túi bắt bông kem nặn bột ra thành một núi tròn nhỏ nhỏ. Nhớ chừa chỗ cho bánh nở. Sau đó bỏ vào lò nướng ở rảnh giữa trong vòng 20 - 25'.
Lưu ý, nhiệt độ và thời gian nướng ở đây chỉ là tương đối vì mỗi lò có kích thước và sức nóng khác nhau. Do vậy, khi nướng mình thường để ý thấy vỏ bánh nở lên và bắt đầu ngả sang màu vàng thì mình hạ nhiệt dộ xuống 150 - 170 độ C rồi theo dõi nếu bánh đã chín vàng thì lấy ra. Không bắt buộc cứ đúng thời gian định sẵn.

2. Phần nhân:

- Đánh lòng đỏ trứng với đường đến khi lòng đỏ bông đặc, chuyển sang màu vàng nhạt, nhấc que đánh lên thấy lòng đỏ chảy xuống thành dòng. Các bạn có thể dùng máy đánh trứng, mình đánh bằng tay thì mất khoảng 10 phút.
- Rây bột vào âu trứng đường, trộn đều.
- Đun sữa gần sôi thì từ từ đổ sữa vào âu trứng bột, vừa đổ vừa quấy đều tay (đổ liên tục đến khi hết sữa).
- Cho hỗn hợp vào nồi, để lửa nhỏ, quấy đều, lưu ý vét thành và đáy nồi. Khi hỗn hợp bắt đầu đặc lại thì bắc ra khỏi bếp, quấy đến khi hỗn hợp đặc sệt thành kem. Cho bơ, muối & vanilla, trộn đều.
Đến đây là đã xong, bạn nặn nhân vào trong vỏ bánh là ăn thôi. Có thể bảo quản trong tủ lạnh, khi nào ăn thì nặn nhân vào sau.
Chúc các bạn thành công.

Friday 17 January 2014

Mứt dừa non



Năm hết tết đến, giới thiệu với cả nhà món mứt dừa non. Công thức làm mứt dừa non:

Dừa non (tốt nhất là mua ở chỗ bán dừa uống nước) lột sạch vỏ lụa, rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút, vớt ra, xả lại bàng nước sạch, để ráo nước, thái miếng hoặc sợi tuỳ thích.
Ướp đường theo tỉ lệ: 10 dừa/4 đường ( có thể thêm bớt tuỳ khẩu vị). Sau đó để cho thấm trong thời gian từ 2 - 4h.
Sên to lửa, cho sôi đùng đùng cũng được trong khoảng 30 - 45 phút đầu, sau đó điều chỉnh lửa nhỏ dần, càng cuối càng nhỏ đến khi mứt khô, đường bám áo bên ngoài thì cho chút va ni bột. Bắc xuống, để nguội, và ăn. Còn thừa thì bỏ vào túi nilon để trong ngăn mát tủ lạnh.
Cực kì đơn giản. Nhưng mứt chỉ ngon khi lựa được dừa đảm bảo tươi non.

Chúc cả nhà thành công.

Tuesday 14 January 2014

Trẻ em ở phòng nhiệt độ bao nhiêu là vừa?

Trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh, vừa lọt lòng không nên sử dụng máy lạnh thường xuyên.
Trong trường hợp thời tiết quá oi bức, phòng ngủ không thoáng khí có thể sử dụng máy lạnh, nhưng nên cài đặt nhiệt độ “hơi ấm”, khoảng 27-28OC. Với nhiệt độ này thì chúng ta có thể hơi nóng, nhưng với trẻ sơ sinh là phù hợp vì nên biết rằng môi trường trong bào thai khá ấm (37OC). Với nhiệt độ này, đương nhiên phải ủ ấm bé bằng áo quần, nón, mang vớ, tấm lót, chăn...
Cũng nên nhắc lại, các bậc cha mẹ không nên dùng phương pháp hơ lửa, hơ than cho trẻ sơ sinh vì rất nguy hiểm, do khi hơ lửa than sẽ tạo ra khí cacbon mônôxit (CO) dễ gây ngạt cho bé, và nhiệt độ rất nóng của than đang cháy dễ gây bỏng vì da bé rất mỏng và non.

Trẻ nhỏ
Một quan niệm khá phổ biến của các bậc phụ huynh là sợ bé bị lạnh nên thường cài đặt máy lạnh ở 27-28OC. Nhiệt độ này sẽ gây khó chịu và nóng cho đa số trẻ, đặc biệt là các trẻ hơi dư cân, do đó các bé sẽ bị ra mồ hôi, nhất là vùng sau gáy và lưng. Nên cài đặt nhiệt độ mát mẻ hơn một chút, thông thường 25-26OC, tùy thích nghi của bé.
Có thể kiểm chứng bằng cách sờ vào vùng gáy và lưng của bé khi bé đang ngủ, nếu ra mồ hôi chứng tỏ nhiệt độ phòng đang nóng; nếu bé ngủ ngon, không ra mồ hôi, chứng tỏ nhiệt độ phòng phù hợp.
Chúng ta thường gặp các trẻ nhỏ, nhất là dưới 12 tháng tuổi, bị viêm đường hô hấp, một phần do đề kháng của bé còn yếu, ngoài ra có thể do việc sử dụng máy lạnh không đúng cách như trên.
Nguyên tắc chung là nên tắt máy lạnh khoảng 30 phút trước khi bé thức dậy và có thể chuyển sang dùng quạt máy nếu cần, để khi cho bé ra khỏi phòng ngủ nhiệt độ chênh lệch không quá đột ngột. Vì đối với các bé, càng nhỏ tuổi thì trung tâm điều hòa nhiệt độ của não càng chưa trưởng thành hoàn chỉnh như ở trẻ lớn và người lớn.
BS Th.S MAI VĂN BÔN

Monday 13 January 2014

Tìm ra kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh

Từ hôm đọc bài báo về bé sơ sinh bị bắt cóc tại BV Quận 7, lòng mình đau và lo lắng không yên. Tội thay người mẹ hiếm muộn mong chờ con tại giường bệnh. Chính vì cũng mới sinh con được hơn 1 tháng nên mình rất hiểu tấm lòng của người mẹ, suy nghĩ nếu con mình mà cũng bị bắt cóc chắc mình chết ngất, đau như ai đó cắt thịt mình đi vậy. 

Vừa thương người mẹ vừa lo lắng, an ninh xã hội tại TP mà còn lỏng lẻo như vậy thì làm sao yên tâm để con em mình bước ra ngoài xã hội được đây. Từ đầu năm đến giờ mới hơn 1 tháng mà hết bạo hành trẻ em trong trường mầm non đến bắt cóc trẻ sơ sinh. Buồn thay đất nước đáng lẽ ngày càng phát triển thì cuộc sống người dân phải được an toàn hơn thì toàn thấy tình trạng ngược lại.

Hôm nay đọc thấy tin này như bỏ được gánh nặng trong lòng. Chúc mừng ông bố bà mẹ đã tìm được con mình. Mong rằng các bệnh viên rút kinh nghiệm mà thắt chặt an ninh, không để xảy ra trường hợp đau lòng như vậy nữa.



Thursday 9 January 2014

SA PA - ĐI TÌM MÙA ĐÔNG

Đây là một chuyến đi đầy ngẫu hứng của hai vợ chồng vào mùa xuân năm ngoái, đúng lúc Miền núi phía bắc lạnh nhất trong năm. Đến giờ nhắc lại vẫn thấy vui và ý nghĩa, chuyến đi đúng chất bụi bặm, chỉ hai vợ chồng bon bon trên chiếc xe máy mướn luồn lách khắp các ngõ ngách bản làng của người dân tộc ở Sapa. Chỗ nào không đi được thì cuốc bộ, thấy lạ là mình có thể đi bộ xa thế mà không mệt.

Vừa đi vừa cảm nhận cuộc sống của người dân nơi đây, còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn và lạc hậu. Những em bé dân tộc vẫn chân đất, áo ko đủ ấm để mặc. Ban ngày không có ai giữ cứ để đầu trần, mặt mày lem luốc, trên người chỉ có cái áo phong phanh chạy rông khắp xóm từ đứa lớn tới đứa bé mới biết đi trong khi thời tiết lạnh buốt 2 – 3 độ. Trông tội nghiệp lắm.

Nạn tảo hôn vẫn còn là chuyện bình thường tại đây, những bé gái đang còn độ tuổi đến trường đã phải bỏ học để lo việc gia đình, chăm con. Tục lệ bắt vợ vẫn là nỗi ám ảnh của các bé gái trong buôn làng nhưng cha mẹ chúng lại xem đó là chuyện bình thường. Sau khi tiếp xúc với một số em gái chỉ mới 19 - 20 tuổi đã làm mẹ của hai hay ba đứa trẻ, mình càng day dứt, bất bình với những hủ tục vô lý, đè nặng lên cuộc sống của các em. 

Đi về mà những ánh mắt các bé, bóng dáng các em gái điu cũi trên lưng lê bước trên những con đường ẩm ướt quanh co, mãi mới thấy một vài căn nhà nhỏ lác đác nơi xa cứ ám ảnh minh suốt một năm qua. Trách sao mà các em không thể tránh khỏi những hủ tục tảo hôn, bắt vợ được chứ.

Dưới đây là một số kinh nghiệm khi đi du lịch Sa Pa:
-  Ai có muốn đi du lịch Sapa thì có thể đem thêm quần áo cũ, bánh kẹo cho các em bé khi đi thăm quan các bản làng. Không nên cho tiền các em vì như vậy sẽ làm hư các em mất.
- Nhớ đem theo nhiều quần áo ấm. Khi ở trên đấy mình bận 5 lớp áo, 2 lớp quần, 2 đôi vớ, giầy thể thao mà vẫn không ăn thua.
- Về ăn uống, có rất nhiều món ngon như đồ nướng vỉa hè nè, cơm lam nè, lẩu gà bản nè, nhất là khoai lang nướng ở đây cực ngon. Cứ mạnh dạn vô các nhà hàng, đồ ăn ngon mà cũng không quá mắc so với ở tp.
Đấy là một số kinh nghiệm đi Sapa của mình. Nói chung là một chuyến đi có ý nghĩa, mình rất hài lòng.